Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Du Lịch Vĩnh Long – Thông tin cần biết khi đi du lịch Vĩnh Long

Vĩnh Long là trung tâm và là hình ảnh thu nhỏ của đồng bằng sông Cửu Long bởi sự đa dạng và trù phú của vùng đất giữa hai dòng sông lớn Tiền Giang và Hậu Giang, giáp các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp về phía bắc, Bến Tre về phía đông, Trà Vinh về phía đông nam, Hậu Giang, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ về phía tây và nam. Vĩnh Long có đất đai màu mỡ do được sông Tiền và sông Hậu bồi đắp phù sa hàng năm. Trồng trọt là một thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh cây lúa (90% diện tích đất trồng lúa), hàng năm người dân Vĩnh Long còn thu hoạch hàng trăm ngàn tấn trái cây như cam, nhãn, quít, bưởi, dừa…
Do địa thế và lịch sử hình thành, từ ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng sinh sống lâu đời ở đây đã hòa quyện và tạo nên một nền văn hóa đặc trưng cho vùng đất này. Vĩnh Long có khá nhiều loại hình văn học dân gian như: nói thơ Vân Tiên, nói tuồng, nói vè, hát Huê Tình, cải lương…
Vĩnh Long cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: thành xưa Long Hồ được xây dựng năm 1813, miếu Công thần, đình Tân Giai, đình Tân Hoà. Đặc biệt là Văn Xương Các ở thành phố Vĩnh Long (dân địa phương còn gọi phổ biến với một tên khác là Đền Văn Thánh hay Văn Thánh Miếu) do đốc học Nguyễn Thông (người gốc Phan Thiết) lập ra. Vĩnh Long có nhiều đình, chùa như đình Long Thanh, tịnh xá Ngọc Viên, chùa Phước Hậu, chùa Tiên Châu, chùa Saghamangala…
Đến Vĩnh Long, bạn có thể đi tham quan Cầu Mỹ Thuận, Trang trại Vinh Sang, Cù lao An Bình, Văn Thánh Miếu, Chùa cổ Long An, Chùa Tiên Châu, …
Cầu Mỹ Thuận: Cây cầu treo dài nhất Việt Nam bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Cầu được khởi dựng ngày 06/7/1997, khánh thành ngày 21/5/2000. Tổng chiều dài của cầu là 1.535 m, hai cầu dẫn mỗi bên 11 nhịp, mỗi nhịp 40 m. Chiều dài phần cầu chính là 650 m, chia thành 3 nhịp, hai nhịp bên mỗi nhịp dài 150 m, nhịp giữa dài 350 m. Độ cao thông thuyền là 37,5 m. Mặt cầu rộng 23,6 m chia thành 4 làn xe cơ giới ở giữa và hai làn cho người đi bộ và xe thô sơ hai bên. Cầu Mỹ Thuận là công trình hợp tác giữa các chuyên gia, kỹ sư và công nhân của hai nước Australia và Việt Nam, một công trình giao thông có kiểu dáng kiến trúc.
Trang trại Vinh Sang: Tại Vinh Sang, du khách có thể tham gia trò chơi cảm giác mạnh đó là câu cá sấu từ 05 năm tuổi trở lên, du khách tự mình nhử mồi và câu cá sấu. Loài động vật bò sát hoang dã to lớn này giúp chúng ta có thể hình dung cả một hành trình khai phá thiên nhiên của vùng đất Nam Bộ cách đây vài trăm năm còn rất hoang sơ ” dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um “.
Tại Khu du lịch Vinh Sang còn có một đàn đà điểu Châu Phi với hơn 60 con trưởng thành. Giữa thiên nhiên tươi mát của miền Tây Nam Bộ du khách thoả thích cưỡi đà điểu chạy tung tăng trên bãi cát. Đây là loài chim to lớn nhất thế giới được nuôi dưỡng và phát triển ngay giữa Đồng bằng châu thổ sông Mêkong, đây còn là một dịch vụ rất được ưa chuộng tại nơi này.
Du khách còn có thể tham gia chèo xuồng, giăng lưới, chài cá hoặc be mương tát cá…những con cá nước ngọt tươi rói sẽ càng hấp dẫn hơn khi du khách tự tay mình chế biến món cá nướng thưởng thức ngay tại vườn cùng với rượu nếp nguyên chất hoặc rượu Đào Tiên, hoà mình vào nếp sông dân dã của người dân miền sông nước, du khách còn được thưởng thức những làn điệu dân ca mượt mà qua loại hình Đờn ca tài tử, chắc chắn sẽ mang lại cho du khách cảm giác thoải mái giữa một không gian thật an bình. Du khách còn có thể tham gia vào các hoạt động khác như: tắm sông – trượt nước, các bạn trẻ có thể đi xe đạp dạo quanh đường làng xuyên qua những vườn cây trái trên Cù lao An Bình…
Từ du lịch Vinh Sang, du khách đi bằng tàu du lịch vào sâu trong các con rạch nhỏ, tham quan những làng nghề truyền thống nổi tiếng của miệt vườn Nam Bộ nằm ven sông. Du khách được thưởng ngoạn nghề làm kẹo dừa truyền thống của người dân cù lao An Bình tại KDL Vinh Sang, thưởng thức những viên kẹo dừa thơm ngọt. Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan lò sản xuất gốm đỏ – một làng nghề truyền thống, nổi tiếng và đặc thù chỉ có ở Vĩnh Long.

Cù Lao An Bình là cù lao nổi giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, nơi tập trung nhiều điểm du lịch. Cù lao rộng khoảng 60 km2, gồm bốn xã: An Bình, Bình Hoà Phước, Hoà Ninh và Ðồng Phú. Ðất đai màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, dân cư trồng nhiều cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng, sapôchê… Vườn cảnh Bonsai của ông Sáu Giáo tại ấp Bình Thuận xã Hoà Ninh với hàng trăm các loại cây cảnh: mai vàng, mai chiếu thuỷ, lài… xung quanh nhà là vườn nhãn và ao nuôi cá tai tượng, loại cá có thịt thơm ngon.

Văn Thánh Miếu: Khu di tích nằm ở phường 4 thị xã Vĩnh Long, cạnh sông Tiền . Đây cũng là một trong số rất ít văn miếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Công trình được xây dựng từ năm 1864. Nơi đây thờ Khổng Tử trong ngôi nhà cổ kính ba gian hai chái, chứng tỏ sự phát triển và ảnh hưởng sâu sắc của nho giáo đến cư dân các tỉnh Nam Bộ. Bên cạnh Văn Miếu là Văn Xương thờ các thần văn học và danh sỹ như Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản… những người có công đối với nền giáo dục của nước nhà. Tại đây có những bi ký ghi lại quá trình xây dựng và phát triển quần thể di tích.

Chùa cổ Long An
: Cách trung tâm thị trấn Trà Ôn trên 3km, từ Quốc lộ 54 theo đường nhỏ khoảng 500m, đến chùa cổ Long An. Chùa còn có tên Đồng Đế, tọa lạc tại ấp Mỹ Trung, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Theo các cụ cao niên, cách nay gần hai thế kỷ, nơi đây đồng hoang mọc nhiều cây đế dại, dân cư thưa thớt. Thập niên 1860 có vị tu sĩ từ miền Ngũ Quảng vào chọn nơi đây làm chỗ dừng chân tu hành. Sơ khởi là am nhỏ, ông khai hoang mở đất làm rẫy sinh sống. Đến cuối thế kỷ 19, gia tộc ông Cả Lảm là người mộ đạo, hiến 30 công đất để xây chùa và làm tự điền, hằng năm có hoa màu, lúa thóc phục vụ lễ lạc, xây dựng. Chùa được đặt tên là Long An. Năm 1931 Hòa thượng Thích Khánh Anh đang làm pháp sư tại trường Gia giáo chùa Giác Hoa (Bạc Liêu) được thỉnh về làm trụ trì để hoằng khai đạo pháp. Lúc này tăng đồ và phật tử theo học rất đông. Đến năm 1842 Hòa thượng Khánh Anh về chùa Phước Hậu, các Hòa thượng Thiện Lực, Thiện Trang, Nhựt Liên… lần lượt được trông nom ngôi Tam bảo. Chùa có kiến trúc cổ kính gồm chính điện, hậu liêu, nhà trai trên diện tích khoảng 500m2, nền được cuốn gạch đại cao 0,5m. Tiền điện hướng Đông Bắc nhìn ra QL 54.
Chùa Tiên Châu hiện nay giữ được quy mô của năm Kỷ Hợi (1899), gồm bốn nóc: tiền đường, chánh điện, trung đường và hậu tổ. Các khu vực vừa kể làm theo kiểu tứ trụ, được nới rộng theo kiểu ngang dọc nhờ các kèo đấm, kèo quyết. Bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái ngói âm dương, xung quanh đóng vách bổ kho.  Nội điện chùa Tiên Châu được trang trí đẹp đẽ. Giữa tứ trụ là một khánh thờ, bên trong có một pho tượng Phật Di Đà bằng đất sét lớn. Hai bên là khánh thờ thần Già Lam, khánh thờ Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, Thập Điện Minh vương, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào – Bắc Đẩu, Địa Tạng, Chuẩn Đề, Hộ Pháp, Tiêu Diện Đại Sĩ. Kiến trúc mặt tiền và cổng chùa hiện nay được xây dựng từ năm 1961 – 1963
Vĩnh Long có 3 dân tộc chính : Việt, Khmer, Hoa. Người Khmer trong tỉnh tuy chiếm tỉ lệ nhỏ (2%), nhưng nơi đây vẫn mang đậm nét truyền thống văn hóa lễ hội của người Khmer.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét